Sáng 29/3, 120 doanh nghiệp đã đón nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam, tại buổi lễ trao giải diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới đang ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hơn lúc nào hết, vai trò của thương hiệu lại được đề cao như một lợi thế cạnh tranh hàng đầu, là nguồn sức mạnh đáng kể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. “Trong mọi hoàn cảnh, những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu có giá trị, rõ ràng sẽ chiếm lợi thế vượt trội trong việc giữ vững và phát triển sản xuất kinh doanh”, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đại diện đơn vị tổ chức, phát biểu mở đầu phần khai mạc chương trình trao giải Thương hiệu mạnh Việt Nam 2008.
Lễ trao giải năm nay có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cao cấp từ Quốc hội, các bộ, ngành… đến dự và chia vui cùng các doanh nghiệp. Kể từ năm 2003 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tiến hành xây dựng và phát triển chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam, nhằm không chỉ tôn vinh những thương hiệu doanh nghiệp xuất sắc mà còn nhằm góp phần thúc đẩy và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giá trị thương hiệu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của công đồng doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ vững sự ổn định và bảo vệ thương hiệu còn khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp đạt "chuẩn" Thương hiệu mạnh Việt Nam là những đơn vị đã thể hiện rõ năng lực đổi mới - một trong những tiêu chí của chương trình - về chiến lược kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận thị trường mới hay lựa chọn những giải pháp phân phối năng động... Giá trị đổi mới, sáng tạo đang được các doanh nghiệp đề cao, và danh hiệu Thương hiệu mạnh là một sự công nhận xứng đáng cho những doanh nghiệp “khắc sâu” giá trị này trong cảm nhận của khách hàng và người tiêu dùng. Bên lề buổi lễ trao giải, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp. Uy tín thương hiệu là lợi thế so sánh lớn
(Ông Nguyễn Văn Du, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank) Thương hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa thể hiện, vừa giúp doanh nghiệp có được vị thế trên thị trường. Với VietinBank, công tác xây dựng và quản trị thương hiệu đã được triển khai trong nhiều năm nay. Từ tháng 4/2008, chúng tôi đã thay đổi thương hiệu và tiến hành đăng ký thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu VietinBank theo tiêu chuẩn ISO, thống nhất quy chuẩn hệ thống giấy tờ, đến biển hiệu, logo… Hiện VietinBank đã được đăng ký tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, và là đơn vị duy nhất ngành ngân hàng đăng ký thương hiệu quốc tế. Bên cạnh các chương trình quảng bá thương hiệu, chúng tôi cũng coi trọng nội hàm giá trị thương hiệu. Cảm nhận về thương hiệu VietinBank hiện nay là năng lực tài chính mạnh, chất lượng dịch vụ tốt. Và sự thành công trong tạo lập thương hiệu VietinBank thể hiện rõ ở sự quan tâm, tin cậy của khách hàng đối với chúng tôi. Vừa qua, chúng tôi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở thời điểm khá bất lợi là ngày 25/12/2008, lúc các nhà đầu tư nước ngoài đang trong kỳ nghỉ lễ Noel. Hơn nữa, lúc đó thị trường chứng khoán cũng đang xuống. Nhưng chúng tôi vẫn phát hành thành công trên 53 triệu cổ phiếu với hơn 12.000 cổ đông tham gia. Trong cuộc khủng hoảng này, người gửi tiền đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, và vì vậy uy tín của thương hiệu VietinBank trở thành một lợi thế so sánh lớn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chúng tôi. Biểu lãi suất huy động của VietinBank hiện nay là thấp nhất nhưng chúng tôi lại huy động được lượng vốn lớn nhất trên thị trường. Hoạt động của VietinBank trên thị trường liên ngân hàng rất mạnh, vì chúng tôi có tiềm lực tài chính dồi dào để có thể hỗ trợ nhiều ngân hàng khác". Sự thừa nhận của xã hội là yếu tố nâng tầm thương hiệu (Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co-op) "Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp được chúng tôi quan tâm ngay từ khi thành lập Saigon Co-op đến nay. Cách đây 11 năm, Saigon Co-op đã đi đầ. trong việc hình thành hệ thống siêu thị bán lẻ, và ở khía cạnh phục vụ chu đáo, đem lại lợi ích cho khách hàng, Saigon Co-op cũng luôn đi đầu. Tất cả hệ thống siêu thị Co-op Mart, các nhân viên siêu thị của chúng tôi đều có quan niệm rằng khi phục vụ là chúng tôi đã đem lại lợi ích cho khách hàng. Và sự hài lòng của khách hàng chính là nhân tố làm tăng thêm uy tín của thương hiệu chúng tôi. Điều này được minh chứng rõ ràng trong chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trong phong cách bán hàng, thái độ phục vụ của toàn hệ thống Saigon Co-op Mart. Việc xây dựng thương hiệu với Co-op Mart không chỉ dừng lại ở khâu phục vụ ân cần, ở giá cạnh tranh, hàng hóa chất lượng đảm bảo… mà còn nằm trong tiêu chí lớn hơn của Co-op Mart, đó là tất cả vì khách hàng, phục vụ cộng đồng. Tháng Tư năm 2008, thị trường Tp.HCM sốt gạo. Saigon Co-op với vị trí là doanh nghiệp siêu thị bán lẻ hàng đầu tại địa bàn đã kịp thời huy động hơn 6.000 cán bộ công nhân viên tỏa ra các tỉnh, tìm kiếm nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Trong lúc giá thị trường lúc đó lên đến 25.000 đồng/kg, chúng tôi vẫn duy trì giá bán 10.300 đồng/kg. Và chỉ sau 3 ngày, chúng tôi đã dập tắt cơn sốt gạo, ổn định giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường. Hay vừa rồi, sau khi Chính phủ điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa, một loạt hãng cung cấp sữa đã đồng loạt đề nghị tăng giá. Chúng tôi đã họp bàn với một số nhà cung cấp lớn đề cùng cam kết bình ổn giá sữa, vì vậy giá sữa tại Co-op Mart luôn ổn định và có lợi cho người tiêu dùng. Hoặc ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, Co-op Mart đã chủ động dự trữ nhiều hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn giá cả trong lúc nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Chính những tin tưởng của khách hàng, cũng với những “động tác” vì khách hàng, vì người tiêu dùng mà uy tín của chúng tôi ngày càng được nâng cao. Saigon Co-op hiện nay nằm trong TOP 500 nhà bán lẻ hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Thương hiệu chỉ có giá trị khi những việc làm của doanh nghiệp thực sự đem lại lợi ích cho cho xã hội. Với Co-op Mart, sự thừa nhận của xã hội chính là yếu tố nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp chúng tôi". Thương hiệu là sức khỏe của doanh nghiệp (Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin) "Với ngành đóng tàu, khách hàng không nhiều, chủ tàu lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, cách xây dựng thương hiệu của Vinashin có đặc thù riêng, đó là đi vào chiến lược khác biệt hóa. Và nội hàm trong thương hiệu Vinashin là cam kết về chất lượng, tiến độ của doanh nghiệp chúng tôi. Tại Vinashin, có những con tàu như Vinashin Sun đã đi vòng quanh thế giới, khẳng định chất lượng và năng lực của ngành đóng tàu Việt Nam. Những con tàu trọng tải lớn do Vinashin đóng đang được xuất khẩu sang các nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Na Uy… Thông qua những con tàu có mặt tại hầu hết cảng biển trên thế giới, thương hiệu Vinashin được biết đến rộng rãi trong các chủ tàu, chủ hàng, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm… Thương hiệu Vinashin đã vươn lên tầm thế giới chứ không còn bó hẹp trong phạm vi đất nước. Trong khu vực, đóng tàu Việt nam đã vượt qua Malaysia, Indonesia, Singapore… và hiện nay Vinashin đang phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ tư thế giới về thị phần đóng tàu. Chính nhờ có thương hiệu mạnh gắn với chất lượng, uy tín và những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, Vinashin vẫn tiếp tục duy trì đàm phán các hợp đồng đóng tàu mới, đảm bảo đủ việc làm đến năm 2011. Thương hiệu không thể được coi là đồ trang sức mà phải được coi là sức khỏe của chính doanh nghiệp". Giữ nhân lực chất lượng cao cũng là giữ thương hiệu (Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty An Phước) "Thương hiệu của doanh nghiệp cũng giống như tên tuổi của một con người. Và định hình tên tuổi cho doanh nghiệp là cả một quá trình lâu dài và khó khăn. Trong thời điểm kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với thế giới thì định vị thương hiệu cũng phải khác xưa. Giữa những thương hiệu nội địa thì mình có thể chủ quan nhưng nay, có cả thương hiệu ngoại, việc cạnh tranh bảo vệ thương hiệu của mình càng trở nên khó khăn và quan trọng hơn. Với An Phước, chúng tôi xác định thế mạnh tại thị trường nội địa là thương hiệu sơ mi phục vụ cho phái nam. Tại các thị trường nước ngoài như Nhật, châu Âu... là quần áo nữ, quần áo trẻ em giầy da cao cấp. Xác định từng thế mạnh và phân khúc thị trường cụ thể, An Phước đã từng bước xây dựng thương hiệu. Trong năm khó khăn này, công ty đã tự cải tổ lại cơ cấu, cải tổ lại nhân sự, rà soát và kiện toàn và sàng lọc lại những gì chưa tốt, chứ chưa dám mở rộng ra. Nhưng mấu chốt là phải "giữ chân" các công nhân có tay nghề, cũng như giữ công ăn việc làm cho họ, vì như thế chính là giữ thương hiệu cho mình". Sẽ hướng mạnh hơn đến khách hàng (Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo) "Tôi cho rằng, giá trị thương hiệu của mỗi doanh nghiệp phải được xây dựng và mang tính ổn định lâu dài, hướng về khách hàng và chính khách hàng là người cuối cùng đánh giá giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp đó. Giá trị thương hiệu của nước khoáng Vĩnh Hảo đã được nhiều người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá qua chất lượng. Giá trị thương hiệu được xây dựng từ nguồn nước do thiên nhiên ban tặng, đem đến sự an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng. Các năm trước, mỗi năm Vĩnh Hảo đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%. Nhưng duy trì được tốc độ và tăng trưởng trong thời buổi suy thoái hiện nay thì đúng là khó khăn. Trong khó khăn, để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh cao, xây dựng các chính sách hướng mạnh hơn đến khách hàng để kích thích tiêu dùng".